3 tiêu chí của công dân toàn cầu là gì?

Với mục tiêu công dân toàn cầu là những người có thể học tập tại bất cứ đâu, sống ở bất cứ đâu và làm việc tại bất kỳ quốc gia nào – “Study anywhere-Live anywhere-Work anywhere”. Những người có các tố chất của công dân toàn cầu thường có việc làm tốt, thu nhập cao và có một đời sống phong phú do được trải nghiệm các giá trị văn hoá, xã hội toàn cầu. Điều đáng lưu ý là bất cứ ai nếu có mục tiêu và sự cố gắng cũng đều có thể trở thành công dân toàn cầu nếu được khai sáng bởi phương pháp đào tạo tốt. Dưới đây là 3 tiêu chí của công dân toàn cầu do Swiburne Việt Nam định vị theo tiêu chuẩn 3G được đào tạo cho sinh viên:

 

Global knowledge

 

Global Knowledge (Kiến thức toàn cầu), để làm việc được trong một môi trường quốc tế, với đồng nghiệp đến từ những trường đại học trên thế giới mà không bị tụt hậu, sinh viên cần phải trang bị cho mình những kiến thức mới nhất trong ngành. Nắm được sự thay đổi mới về công nghệ, kỹ thuật áp dụng trong chuyên ngành học của mình là cách để bạn thành công dù theo đuổi bất kỳ lĩnh vực nào.

 

Một thiệt thòi cho sinh viên và học sinh của Việt Nam là những kiến thức đang được truyền tải tại các trường đại học chưa có tính toàn cầu, chưa được cập nhật. Điều này thể hiện ở xếp hạng về chương trình học ở các trường đại học Việt Nam còn chưa cao thậm chí còn rất thấp.

 

Kiến thức liên tục thay đổi, chỉ 2-3 năm không cập nhật, bạn sẽ bị bỏ lại. Kiến thức trong thời gian học đại học sẽ nhanh chóng lạc hậu và công dân toàn cầu cần có khả năng học mới liên tục, coi việc học là quá trình yêu thích suốt đời để cập nhật các kiến thức mới cho công việc. Trước kia, để làm được việc này, bạn cần tới các quốc gia phát triển để học tập, làm việc. Tuy nhiên, thế giới đang ngày càng phẳng giúp cho học sinh có thể học các chương trình tiêu chuẩn quốc tế ngay từ Việt Nam và liên tục cập nhật kiến thức mới trên toàn cầu với chi phí hợp lý.

 

Global knowledge liên quan tới tư duy toàn cầu – global mindset. Công dân toàn cầu có kiến thức toàn cầu sẽ có xu hướng quan tâm tới các vấn đề xã hội mà cả thế giới đang quan tâm, chứ không chỉ vấn đề đang xảy ra tại địa phương. Từ đó họ có khả năng vận dụng kinh nghiệm toàn cầu để xử lý các vấn đề đang phát sinh tại địa phương và liên kết với thế giới. Ví dụ các vấn đề mà cả thế giới đang hướng về như bệnh dịch, rác thải, bất ổn khí hậu, khủng bố, thương mại toàn cầu. 

 

Global skills

 

Global Skills – Kỹ năng toàn cầu, kiến thức là cái biết, còn kỹ năng là khả năng ứng dụng và thực hành. Hiện nay, kỹ năng được chia ra làm hai nhóm kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, cách thức sống, làm việc và học tập trong môi trường toàn cầu.  

 

Về khả năng biết, học sinh Việt Nam rất giỏi biết. Kết quả khảo sát PISA do OECD thực hiện trong nhiều năm đều công bố năng lực về khoa học, toán học của học sinh Việt Nam ở mức TOP 10 tới 20 trên thế giới. Tuy nhiên theo khảo sát của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum) thì xếp hạng về các kỹ năng của sinh viên đại học và người đi làm đáp ứng yêu cầu công việc thì lại thuộc TOP thấp nhất hiện nay. Xếp hạng của Việt Nam ở mức trên 110, đây là mức thấp hơn so với Lào và Campuchia, những nước được đánh giá là kém phát triển hơn chúng ta. Điều này cho thấy giữa “biết” và “kỹ năng cần thiết” có một khoảng cách xa như thế nào. 

 

Giáo dục tại Việt Nam hiện nay còn đang rất thiếu các hoạt động tăng cường kỹ năng cho sinh viên. Chính vì vậy, khi ra trường, bước vào làm việc các em mất rất nhiều thời gian để làm quen. Đây là lý do tại sao sinh viên khi ra trường và người lao động Việt nam có thu nhập thấp, rất khó tham gia vào lực lượng lao động quốc tế vì thiếu kỹ năng làm việc. 

 

Một kỹ năng quan trọng là tiếng Anh. Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh là điều kiện quan trọng số một. Rất nhiều học sinh Việt Nam hiện nay học rất giỏi tiếng Anh và có thể thi được tiếng Anh tới IELTS 6.0 hoặc 7.0. Tuy nhiên khả năng sử dụng tiếng Anh là vấn đề hoàn toàn khác. Vấn đề này liên quan tới kiến thức, kỹ năng và các kỹ năng này cần được thực hành và đào tạo thêm.

 

Các kỹ năng mềm liên quan tới cách thức học tập và làm việc được đánh giá là ngày càng quan trọng đặc biệt trong thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ở thời kỳ này, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các kỹ năng chuyên môn lặp đi lặp lại hoặc có logic nhất định sẽ dần được thay thế bởi người máy. Vì vậy kỹ năng sống của con người mà máy móc không thay thế được sẽ ngày càng trở nên quan trọng và cần được đào tạo, rèn luyện thực hành. Theo báo cáo của The Economist, các kỹ năng học tập và làm việc mà nhà tuyển dụng cần sẽ liên quan tới thái độ tích tực, khả năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy phản biện và sáng tạo, phát triển trí tuệ cảm xúc.  

 

Ngân hàng Thế giới nhận định thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng – Skills Based Economy. Năng lực của con người được đánh giá trên cả 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Các nhà khoa học thế giới cho rằng: để thành đạt trong cuộc sống thì kỹ năng mềm (trí tuệ cảm xúc) chiếm 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15%.

 

Kỹ năng là thứ không học để biết mà chỉ hình thành do thực hành mà có. Bác Hồ của chúng ta đã từng nói “thực hành sinh hiểu biết”. Sinh viên ra trường cần có kỹ năng về chuyên môn và kỹ năng mềm để có thể làm việc trong môi trường quốc tế.  

 

Global employment

 

Global employment (việc làm toàn cầu), với kỹ năng, kiến thức toàn cầu, sinh viên khi ra trường sẽ có khả năng làm việc trên toàn thế giới. Đây là mục tiêu sẽ đạt được trong một thế giới ngày càng phẳng và được trang bị đủ về kiến thức và kỹ năng toàn cầu.  

 

Theo thống kê cuối năm 2018 của tổ chức lao động quốc tế (IOL), toàn thế giới có khoảng 164 triệu người lao động di cư, con số này đã tăng tới 9% so với con số 150 triệu người từ năm 2013 và dự kiến còn bùng nổ trong khoảng thời gian từ nay tới 2023.

 

Internet và các thiết bị IoT phát triển tạo cơ hội cho làm việc toàn cầu mà không cần phải sang nước khác để là việc. Ví dụ như tại FPT Software hiện nay tạo ra 18 ngàn việc làm ngay từ Việt Nam cho các công ty toàn cầu tại những quốc gia phát triển Anh, Mỹ, Úc… Sự phát triển của Internet có thể cho phép chúng ta ngồi tại một quốc gia có thể làm việc với nhiều quốc gia khác trong vô số ngành nghề từ công nghệ, thương mại, luật, bác sỹ…. Đây là cơ hội chỉ có do tác động của quá trình toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

 

Theo như ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT đã từng chia sẻ tại đại học Swinburne Việt Nam – Một chương trình đào tạo “du học tại chỗ” ngay tại Việt Nam để tạo ra những công dân toàn cầu cho Việt Nam trong tương lai: “Việt Nam đã bỏ qua 3 cuộc cách mạng trước nhưng sẽ có cơ hội với 4.0”. Đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, có kỹ năng, kiến thức toàn cầu chính là bước đầu tiên để giúp Việt Nam vươn ra thế giới.

 

Tóm lại 3G là các tiêu chuẩn cơ bản của Công dân toàn cầu. Học sinh Việt Nam hiện đang được đào tạo khá tốt ở bậc học phổ thông đặc biệt là khả năng về khoa học. Nhiều học sinh cũng có khả năng tiếng Anh rất tốt. Đây là thế hệ Z rất có triển vọng để đào tạo và phát triển thành công dân toàn cầu và vươn tới nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 mang lại.

Bài viết cùng danh mục